Có nhiều loại thuốc tiểu đường khác nhau được sử dụng để kiểm soát lượng đường trong máu, mỗi loại có cơ chế hoạt động và tác dụng phụ riêng. Bài viết này sẽ cung cấp cái nhìn tổng quan về các nhóm thuốc điều trị tiểu đường phổ biến.
1. Insulin
Insulin được dùng cho người mắc tiểu đường Type 1 (Tuyến tụy không còn sản xuất insulin) hoặc cho những người mắc tiểu đường Type 2 (cơ thể không sử dụng insulin một cách hiệu quả). Insulin được tiêm dưới da do sẽ bị phân huỷ trong hệ tiêu hoá khi dùng đường uống.
Loại insulin:
- Insulin nhanh
- Insulin thường
- Insulin trung gian
- Insulin kéo dài
- Insulin cực dài
Các tác dụng phụ thường gặp như là hạ đường huyết, tăng cân, loạn dưỡng mỡ (thay đổi sự phân bố mỡ) và dị ứng tại vị trí tiêm.
2. Thuốc Metformin
Metformin làm giảm glucose do gan sản xuất. Metformin cũng làm giảm đường bằng cách làm mô cơ nhạy cảm hơn với insulin . Tác dụng phụ thường gặp: Tiêu chảy, thiếu vitamin B12, nhiễm toan lactic. Thuốc trên thị trường: Glucophage, Panfor…
3. Thuốc chủ vận thụ thể GIP (Polypeptide hướng insulin phụ thuộc glucose) và GLP-1 (peptid-1 giống Glucagon)
GLP-1 và GIP là các hormone tự nhiên giúp duy trì đường huyết. Sử dụng thuốc chủ vận thụ thể GLP-1/GIP giúp cải thiện đường huyết ở người mắc tiểu đường type 2. Hầu hết các thuốc này đều được tiêm, ngoại trừ một loại uống 1 lần/ngày là semaglutide (Rybelsus – hiện chưa có tại thị trường Việt Nam) Thuốc trên thị trường: Saxenda, Victoza…
==> Xem thêm Tăng đường huyết – Kẻ thù nguy hiểm của người mắc bệnh tiểu đường
4. Thuốc ức chế enzym dipeptidyl peptidase 4 (DPP-4i)
DPP-4i ngăn sự phân hủy các hormone tự nhiên trong cơ thể, GLP-1 và GIP. Khi can thiệp vào quá trình này, các hormone này hoạt động lâu hơn. Chất ức chế DPP-4 không gây tăng cân và thường được dung nạp tốt. Thuốc trên thị trường: Trajenta, Januvia, Galvus…
5. Thuốc ức chế kênh đồng vận chuyển natri -glucose 2 (SGLT2i)
SGLT2i giúp thải glucose qua nước tiểu. Chúng cũng giúp cải thiện ở những người mắc bệnh tim, bệnh thận và suy tim. Vì chúng tăng đường trong nước tiểu, tác dụng phụ phổ biến nhất là nhiễm trùng nấm sinh dục. Thuốc trên thị trường: Forxiga, Jardiance…
6. Sulfonylurea
Sulfonylurea kích thích tế bào beta tụy giải phóng insulin. Các thuốc sulfonylurea thông dụng được sử dụng hiện nay như glimepiride, glipizide, gliclazide. Tác dụng phụ phổ biến là hạ đường huyết và tăng cân. Thuốc trên thị trường: Diamicron, Amaryl…
7. Thiazolidinedione (TZD)
Rosiglitazone và pioglitazone nằm trong nhóm. Những thuốc này giúp insulin hoạt động tốt trong cơ và mỡ và giảm sản xuất glucose ở gan. Lợi ích của TZD là giảm đường huyết mà không có nguy cơ cao hạ đường huyết. Cả hai thuốc này có thể làm tăng nguy cơ suy tim và có thể gây phù nề ở chân. Thuốc trên thị trường: Nilgar, Piotaz..
8. Thuốc ít được sử dụng
- Thuốc ức chế alpha glucosidase
Acarbose và miglitol giúp hạ đường huyết bằng cách ngăn chặn sự phân hủy tinh bột trong ruột. Khi chậm phân hủy sẽ chậm sự tăng đường trong máu sau ăn. Những thuốc này uống nhiều lần trong ngày. Các tác dụng phụ thường ở đường tiêu hóa như đầy hơi và tiêu chảy. Thuốc trên thị trường: Glucobay…
- Nhựa gắn acid mật
Colesevelam là thuốc hạ cholesterol, đặc biệt LDL, cũng làm giảm đường huyết ở người tiểu đường. Cơ chế giảm đường vẫn chưa hiểu rõ. Các tác dụng phụ của BAS có thể bao gồm đầy hơi và táo bón, và tương tác sự hấp thụ thuốc khác.
- Chất chủ vận Dopamine-2
Bromocriptine là chất chủ vận dopamine-2 được chấp thuận ở người tiểu đường type 2. Bromocriptine được uống 1 lần/ngày/sáng. Tác dụng phụ thường gặp là buồn nôn.
- Meglitinide
Meglitinide (Nateglinide và Repaglinide) cũng kích thích tế bào beta giải phóng insulin. Được dùng trước bữa ăn. Vì meglitinide kích thích phóng insulin nên có thể hạ đường huyết khi dùng.
Việc lựa chọn loại thuốc điều trị tiểu đường phụ thuộc vào nhiều yếu tố như loại tiểu đường, độ tuổi, tình trạng sức khỏe tổng quát và các loại thuốc khác mà bạn đang sử dụng. Hãy theo dõi đường huyết thường xuyên, dùng thuốc kết hợp với chế độ ăn uống và tập luyện để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất.
Lưu ý rằng những thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo, hãy tìm đến bác sĩ của bạn để lựa chọn loại thuốc phù hợp.
Tài liệu tham khảo:
- https://diabetes.org/health-wellness/medication/insulin-basics
- https://diabetes.org/health-wellness/medication/oral-other-injectable-diabetes-medications